Mâm cỗ sen – Sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo ở làng cổ Đường Lâm

Theo Tạp chí Gia Đình Mới

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Hơn chục món ăn ngon miệng, đẹp mắt được chế biến từ sen hoặc có kết hợp với sen tạo nên mâm cỗ sen độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Độc đáo cỗ sen ở làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) được biết đến là “đất hai Vua” (quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền), là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa tiêu biểu nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Nét đẹp tự nhiên của làng cổ Đường Lâm mang đậm kiến trúc làng quê Bắc Bộ cùng những công trình, ngôi nhà hàng trăm năm tuổi giúp nơi đây trở thành địa chỉ du lịch ấn tượng.

Không chỉ sở hữu những công trình văn hóa, lịch sử độc đáo, làng cổ Đường Lâm còn là địa danh có văn hóa ẩm thực đặc sắc. Ẩm thực làng cổ Đường Lâm vừa dân dã, đậm chất truyền thống, nhưng cũng không kém phần tinh tế và phù hợp với thị hiếu ngày nay. Chính những điều đó đã tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Các sản phẩm du lịch của làng cổ Đường Lâm gắn với các món ăn truyền thống bản địa có giá trị thực dưỡng cao, với những nguyên liệu sạch và an toàn như rau, gạo, thịt, cá, gà… để cung cấp cho du khách. Đây vừa là nguồn thực phẩm cho khách trải nghiệm vừa là sản phẩm thương mại.

Đặc biệt, thời gian gần đây, người dân Đường Lâm còn cho ra mắt du khách sản phẩm ẩm thực mới là cỗ sen, đã được đánh giá là một trong những sản phẩm du lịch ấn tượng. Mâm cỗ sen với hơn chục món ăn được chế biến từ sen hoặc có kết hợp với sen.

Ý tưởng hình thành mâm cỗ sen xuất phát từ những ao sen tự nhiên nở hoa thơm mát quanh làng vào mùa hè. Vào mùa sen, người dân trong làng thường dùng sen để chế biến món ăn. Và để tăng thêm sức hấp dẫn cho du lịch ở làng cổ Đường Lâm, nhiều hộ kinh doanh du lịch tại làng đã nâng cấp những món ăn đơn giản từ sen thành món ăn cao cấp hơn cả về chất lượng và hình thức trình bày.

Phát triển du lịch nông thôn bền vững

Cùng với cỗ sen, du lịch cộng đồng tại Đường Lâm đang sôi động với nhiều sản phẩm, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn du khách như làm tương, làm kẹo lạc, làm bánh chè lam, làm bánh tẻ…

Đặc biệt, khi du khách đến Đường Lâm, hình ảnh dễ bắt gặp nhất tại các ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi là những chiếc chum đựng tương xếp trước sân nhà.

Một đặc sản khác không thể bỏ qua khi tới Đường Lâm là chè lam. Bánh được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản như: Bột gạo nếp rang, mạch nha, gừng tươi, đường mật, lạc rang… Cùng với kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam là thứ quà dân dã, thân thuộc mang hồn cốt làng quê Việt Nam.

Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm hấp dẫn phục vụ nhu cầu của du khách như: Bánh gai, cá kho tương, thịt quay đòn, thịt nướng, nem truyền thống, bánh sắn, củ cải khô… Nét độc đáo trong các món ăn ẩm thực ở làng cổ Đường Lâm là vẫn thường thiên về các phương pháp thủ công truyền thống.

Nhờ những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực mà du lịch trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ tại di tích làng cổ ở Đường Lâm được vinh danh là sản phẩm du lịch bền vững ASEAN năm 2024. Giải thưởng uy tín này là minh chứng cho những nỗ lực, chất lượng, thương hiệu của du lịch Đường Lâm, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch thị xã Sơn Tây thời gian qua.

Tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, ở nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội, cây sen đang được phát triển gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột… Trong đó có mâm cỗ sen sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo hút khách ở làng cổ Đường Lâm…

Hiện nay, TP.Hà Nội cũng đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững.

Đây cũng là một hoạt động cụ thể hiện thực hóa Chương trình 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất