Mô hình gia đình truyền thống ở Hà Nội: Gia đình nhiều thế hệ giữ vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

Linh Nhi

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Trong quá trình phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại vẫn còn tồn tại không ít những gia đình nhiều thế hệ, giữ vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là hạt nhân gìn giữ bản sắc văn hóa và những giá trị nhân văn cần được lưu giữ.

Trong quá trình phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại vẫn còn tồn tại không ít những gia đình nhiều thế hệ, giữ vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là hạt nhân gìn giữ bản sắc văn hóa và những giá trị nhân văn cần được lưu giữ.

Lưu giữ giá trị truyền thống

Là một trong những gia đình điển hình từng được tặng giấy khen của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về gia đình văn hóa tiêu biểu, đại gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa (59 tuổi, ở thôn Đào Thục, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) có 4 thế hệ cùng chung sống.

Hiện nay, cả đại gia đình có 7 nghệ nhân thường xuyên sinh hoạt, biểu diễn, trong đó có 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 5 nghệ nhân được tặng “Kỷ niệm chương” của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Không chỉ xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc, vợ chồng bà Thỏa còn truyền dạy cho con cháu về bộ môn nghệ thuật múa rối nước. Các con cháu của bà Thỏa cũng rất tích cực theo học rối nước để tiếp nối ông bà, bố mẹ giữ nghề. Đặc biệt, tất cả các thành viên trong gia đình đều yêu văn hoá, văn nghệ và luôn ý thức lưu giữ giá trị văn hoá phi vật thể rối nước Đào Thục.

Đại gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa. Ảnh minh họa
Đại gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa. Ảnh minh họa

Để cùng chung tay gìn giữ, phát triển phường rối Đào Thục, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa cùng các thành viên trong gia đình vừa làm tốt công tác tuyên truyền vận động các nghệ nhân, vừa tích cực động viên bà con phường rối tiếp tục phát huy truyền thống, nguyện kế tục trung thành và xuất sắc nghệ thuật múa rối nước mà Tổ nghề và các thế hệ cha ông truyền lại.

Với trách nhiệm của những người luôn tiên phong và kiên trì trong sứ mệnh bảo tồn và phát triển loại hình di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đại gia đình bà Thỏa luôn tích cực tham gia vào các hoạt động của phường rối như: Tập luyện, biểu diễn, tu sửa con rối; khai thác những tích trò mới, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn; hướng dẫn du lịch, truyền thông nhằm đưa nghệ thuật múa rối nước đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; tăng cường công tác vận động, truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp nối nghiệp…

Gia đình 4 thế hệ của ông Nguyễn Văn Suối (76 tuổi, thôn Đồng Vũ, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) sống với nhau hòa thuận và luôn đầy ắp tiếng cười. Chia sẻ về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình, ông Suối cho biết, từ đời của bố ông gia đình đã sống “tứ đại đồng đường” và đến đời của ông vẫn tiếp tục duy trì nếp sống nhiều thế hệ như vậy. Vợ chồng ông cũng là cầu nối, chuyển giao giữa thế hệ bố mẹ ông và con cháu. Muốn con cháu được giáo dục tốt thì trước tiên bản thân bố mẹ phải trở thành tấm gương sáng để con cháu noi theo học tập.

Bí quyết của gia đình ông để cả bốn thế hệ cùng sống chung vui vẻ, hạnh phúc là mỗi người đều phải vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến những người xung quanh. Nhất là khi cuộc sống ngày càng hiện đại, mỗi người lại có một suy nghĩ, một công việc khác nhau nên các thành viên trong gia đình cần biết tôn trọng quyền cá nhân, biết quan quan tâm, chia sẻ khó khăn, vui vẻ. Những yếu tố của văn hóa gia đình được phát huy tối đa như ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng thủy chung, gia đình hạnh phúc… Với ông Suối, thấy mọi người trong gia đình mình luôn yêu thương, tôn trọng nhau là ông rất hạnh phúc.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhiều biến đổi như hiện nay thì mỗi gia đình trên địa bàn Thủ đô đều có những bí quyết riêng trong việc gìn giữ tổ ấm và xây dựng theo các tiêu chí gia đình văn hóa, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Mỗi gia đình đều có những bí quyết riêng trong việc gìn giữ tổ ấm. Ảnh minh họa
Mỗi gia đình đều có những bí quyết riêng trong việc gìn giữ tổ ấm. Ảnh minh họa

Góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Trong những năm qua, công tác gia đình đã được Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo, bằng việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội với các nội dung về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời phát huy vai trò tích cực của gia đình đối với sự phát triển xã hội, Thành phố chủ trương và tập trung xây dựng triển khai, thực hiện 3 nội dung cốt lõi gồm: Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Gia đình văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng; hoàn thiện các mẫu hình văn hóa là kiến tạo môi trường lành mạnh để phát triển, đáp ứng với tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác gia đình ngày càng góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Qua đó, đã có nhiều mô hình cấp quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố tiêu biểu trong công tác xây dựng Gia đình văn hoá; thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; các gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình thể thao, gia đình làm công tác xã hội từ thiện, gia đình nghệ nhân, gia đình nghệ sĩ…

Chính các hoạt động cụ thể của các địa phương  đã góp phần tạo điều kiện cho các gia đình tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng góp quan trọng trong thu nhập quốc dân, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng. Vấn đề bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Cùng với đó là vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao.

Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình trên địa bàn Thủ đô đã góp phần tích cực, quan trọng vào xây dựng, phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và phát triển thủ đô ngày càng văn minh hiện đại.

Sinh thời, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khẳng định: “Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nêu một chân lý: “… nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Có thể thấy, gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội, gia đình còn là môi trường giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách. Từ gia đình, nhiều giá trị quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo, bất khuất, kiên cường được hình thành, vun đắp. Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất