Trung Quốc: Đề xuất ‘khóa học tình yêu’ khuyến khích kết hôn, sinh con gây tranh cãi

Ánh Dương

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Đề xuất 'khóa học tình yêu' không chỉ thu hút sự tranh cãi rộng rãi từ cư dân mạng Trung Quốc mà nhiều người trẻ tuổi nước này còn mô tả nó là một 'phương thuốc tuyệt vọng, thiếu sáng tạo'.

Đề xuất ‘khóa học tình yêu’ không chỉ thu hút sự tranh cãi rộng rãi từ cư dân mạng Trung Quốc mà nhiều người trẻ tuổi nước này còn mô tả nó là một ‘phương thuốc tuyệt vọng, thiếu sáng tạo’.

Gần đây, truyền thông Trung Quốc khuyến nghị các trường đại học nước này nên đưa các khóa học về giáo dục tình yêu để giúp sinh viên cân bằng việc học với các mối quan hệ tình cảm, từ đó cải thiện tỷ lệ kết hôn và sinh con.

Đề xuất này được nêu trong một bài báo có tiêu đề: “Các trường đại học nên đóng vai trò là nền tảng chính cho giáo dục tình yêu và hôn nhân”, được xuất bản ngày 2/12 trên Nhật báo Dân số Trung Quốc. 

Báo cáo trên bắt đầu bằng việc trình bày những kết quả khảo sát gần đây cho thấy những người trẻ tuổi – những người đóng góp chính vào tỷ lệ sinh trong tương lai – đang ngày càng miễn cưỡng tham gia vào các mối quan hệ tình cảm. Cụ thể, theo khảo sát, 56,9% số người được hỏi bày tỏ không quan tâm đến việc hẹn hò.

Báo cáo nhấn mạnh rằng giới trẻ ở Trung Quốc ngày càng miễn cưỡng tham gia vào các mối quan hệ lãng mạn, góp phần làm giảm tỷ lệ sinh.
Báo cáo nhấn mạnh rằng giới trẻ ở Trung Quốc ngày càng miễn cưỡng tham gia vào các mối quan hệ lãng mạn, góp phần làm giảm tỷ lệ sinh.

Các tác giả của báo cáo cho rằng lý do chính khiến sinh viên tránh xa các mối quan hệ lãng mạn là do họ thiếu hiểu biết về cách cân bằng thời gian giữa học tập và tình yêu, làm nổi bật một lỗ hổng đáng kể trong giáo dục. 

Hơn nữa, nghiên cứu còn tiết lộ rằng 82% sinh viên cho biết các trường đại học của họ không cung cấp khóa học về tình yêu và các mối quan hệ. Chỉ có khoảng 2,5% đã tham gia các khóa học như vậy nhưng gần 66% bày tỏ sự quan tâm đến việc đưa các khóa học này vào chương trình của trường đại học.

Dựa trên những phát hiện này, báo cáo ủng hộ rằng các trường đại học nên chịu trách nhiệm cung cấp các khóa học về giáo dục tình cảm và hôn nhân. Bên cạnh có, báo cáo đưa ra 5 khuyến nghị bao gồm việc tích hợp các khóa học này vào chương trình giảng dạy tự chọn của trường đại học, sử dụng mô hình giảng dạy kết hợp giữa phương pháp trực tuyến và ngoại tuyến, đồng thời thiết lập cơ chế phản hồi để đánh giá khóa học. Ngoài ra, các gia đình cũng nên phát huy thái độ lành mạnh đối với tình yêu và hôn nhân, nhằm “giúp học sinh cài chiếc cúc đầu tiên đúng cách”.

Sáng kiến ​​này được nhiều người Trung Quốc coi là giải pháp cho tỷ lệ hôn nhân thấp kỷ lục và tỷ lệ sinh giảm ở nước này. Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm nay, chỉ có 4,75 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong những năm gần đây, một số trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, bao gồm Đại học Vũ Hán, Đại học Hạ Môn và Đại học Thiên Tân cũng đã bắt đầu cung cấp các khóa học như “Hôn nhân và tình yêu”, “Tâm lý học tình yêu”  “Xã hội học tình yêu”.

Tuy nhiên, đề xuất gần đây đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi từ cư dân mạng nước bạn, họ mô tả nó là ‘một phương thuốc tuyệt vọng và thiếu sáng suốt’. Bởi vì tỷ lệ sinh thấp là một vấn đề xã hội phức tạp đòi hỏi các biện pháp toàn diện hơn là các lý thuyết cứng nhắc.

Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng chính phủ nên ưu tiên vấn đề thất nghiệp vì ổn định tài chính là điều cần thiết trước khi kết hôn và sinh con.
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng chính phủ nên ưu tiên vấn đề thất nghiệp vì ổn định tài chính là điều cần thiết trước khi kết hôn và sinh con.

“Tập trung giải quyết tình trạng thất nghiệp trước đã! Mọi người cần sự ổn định về tài chính trước khi tính đến chuyện kết hôn và sinh con. Ra trường thất nghiệp, không tìm được việc làm mà vẫn phải lấy chồng sinh con, chẳng phải đó là hình phạt hay sao?” – một cư dân mạng đưa ra ý kiến.

“Cấp hai thì nghiêm cấm hẹn hò nhưng ngay khi bạn vào đại học, họ lại nói: ‘Hãy nhanh chóng kết hôn’. Tiếp theo là gì nữa đây? Không thể tốt nghiệp trừ khi bạn sinh con hay sao?” – một bình luận không đồng tình khác.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất